Người thương binh vượt khó

1497

Tôi là người lính

Ai đã từng đi qua đường Đất Thánh, phường 6 quận Tân Bình, thường thấy trong tiệm sửa chữa đồ điện gia dụng tại số 217 Đất Thánh, một người đàn ông trạc lục tuần, vẻ mặt cương nghị chất phác, suốt ngày cặm cụi làm việc. Bàn tay còn lại của anh thoăn thoắt với các thao tác kỹ thuật nhanh gọn lạ thường. Mọi người biết đến anh không chỉ biết đến một người thợ lành nghề, thân thiện mà còn biết đến anh một người giầu nghị lực. Anh là thương binh Đinh Lê Việt!

Đinh Lê Việt sinh năm 1959, anh là anh cả trong gia đình có bốn anh chị em. Tuổi thơ của anh đầy vất vả. Anh lớn lên trong thiếu thốn tình cha, cha mất khi anh lên mười một tuổi, cuộc sống gia đình đặt hết lên vai mẹ. Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình, ngay từ khi mới mười bốn tuổi anh đã đi học nghề để vừa học vừa làm. Anh lớn lên chen lẫn những vất vả là niềm vui cùng đất nước. Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, bè lũ diệt chủng Khơ me đỏ gây ra chiến tranh biên giới. Tháng 4 năm 1979, người thanh niên Đinh Lê Việt hăng hái lên đường đi chiến đấu. Sau những ngày tháng luyện tập trên thao trường, anh được điều về X35- E23 QK7, đơn vị kỹ thuật thông tin liên lạc đảm bảo cho huấn luyện luyện và phục vụ chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh biên giới Tây Nam. Sức trẻ của người lính cùng với niềm say mê kỹ thuật từ khi còn trong ghế nhà trường đã tạo cho anh động lực làm việc. Nhưng điều không may mắn đã xảy ra, ngày 3 tháng 03 năm 1980, anh bị thương trong khi làm nhiệm vụ, anh mất đi một cánh tay khi chưa tròn 21 tuổi – cái tuổi của ước mơ! Cú sốc đầu đời khi anh còn quá trẻ. Gần một năm nằm trong Quân y viện, anh suy nghĩ đủ điều… Mỗi khi nghĩ lại anh thầm cảm ơn đồng đội, cảm ơn mẹ người đã giúp anh đứng vững ở cuộc đời này. Anh tiếp tục hăm hở bước vào chặng đường mới của cuộc đời mình. Ngay khi còn nằm trên giường bệnh, anh tự học ôn văn hóa, anh đã thi đậu vào trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Sau một năm học tập, với những khó khăn của kinh tế gia đình, của sức khỏe, anh buộc phải chia tay trường đại học, chia tay một ước mơ…

Trở về cuộc sống nhiều lo toan, anh làm đủ mọi nghề để giúp mẹ nuôi các em ăn học. Anh nghĩ mình là một người lính phải vươn lên bằng nghị lực của mình không thể ỷ lại vào nhà nước và xã hội. Vốn là người sáng dạ, khéo tay lại có chút vốn liếng kỹ thuật từ khi còn trong quân ngũ, anh chuyển qua làm nghề sửa chữa quạt và đồ điện gia dụng với cánh tay còn lại. Lúc đầu các thao tác làm việc thật khó khăn, lúng túng nhưng bằng sự kiên trì, dần dần các thao tác làm việc của anh càng trở nên khéo léo, chính xác hơn, mà ngay cả những người trong nghề cũng phải thán phục, khách hàng gần xa biết tiếng. Cửa hàng nhỏ của anh không lúc nào thiếu việc.

Dáng vẻ cần mẫn, hiền lành, gương mặt cương nghị toát lên từ chàng trai xứ đạo đã làm lay động trái tim cô gái Nguyễn Thị Nhung. Chị đến với anh bằng cả tình yêu nồng cháy và niềm tin mãnh liệt của mình. Chị không thấy ở anh khiếm khuyết nào  mà chỉ thấy một sự trọn vẹn, một chỗ dựa vững chắc cho suốt cả cuộc đời. Chị đã không nhầm! Hơn hai mươi sáu năm chung sống, anh luôn là chỗ dựa cho cả cái gia đình nhỏ này. Các con anh đã thừa hưởng những đức tính của cha mẹ, chúng sống có trách nhiệm ngay cả khi còn bé, chúng ham học, ham làm. Mặc dù có nhiều vất vả có nhiều thiếu thốn, song anh chị chỉ muốn các con tập trung cho học tập, nhưng ba đứa con anh hết giờ học lại xà vào làm việc cùng cha mẹ. Các con anh đã không phụ lòng cha mẹ, cô con gái lớn tốt nghiệp đại học hơn một năm nay đã có công việc làm ổn định, cậu con trai thứ hai đang học đại học năm cuối, còn cậu út đã bước vào năm thứ nhất của trường đại học. Ước mơ của anh khi xưa nay những đứa con anh đang biến thành hiện thực.

Cuộc sống gia đình anh hôm nay vẫn còn vất vả, nhưng trong căn nhà chật hẹp này không bao giờ thiếu vắng tiếng cười, hạnh phúc được nhân lên khi bà con khu phố thường lấy gương của các con anh ra dạy con cháu nhà mình, thường lấy gương của anh chị ra nhắc nhở nhau trong cuộc sống. Tình cảm chân thành lối sống gương mẫu  của anh đã góp phần làm cho cuộc sống trong khu phố tôi ngày càng đẹp hơn./.

NGUYỄN VĂN HƯỞNG – HỘI CCB PHƯỜNG 6