Đề cương tuyên truyền về năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào năm 2017

2152

 1. Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào qua các thời kỳ lịch sử

Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, một hình mẫu hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Nội dung tuyên truyền phải góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông xây dựng, vun đắp và đã được các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm tiếp tục bảo vệ, phát triển và nâng tầm mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trên tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên; đồng thời dành cho nhau ưu tiên, ưu đãi hợp lý, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới

(Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966)

  1. Tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của hai sự kiện quan trọng là Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962) và Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977).

Ngày 05/9/1962, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng Việt Nam – Lào, luôn cùng kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

– Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trong đó, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác là hiệp ước toàn diện mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng nhằm củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.

  1. Những thành tựu hợp tác mà hai nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Quan hệ Việt Nam – Lào là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa… Định hướng cơ bản của chiến lược hợp tác giai đoạn 2011 – 2020 là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trở thành động lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đều có các cuộc gặp mặt chính thức giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng được tăng cường. Quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hai bên đã phối hợp và biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam từ 1930 – 2007, đúc kết bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới. Vừa qua, hai nước đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo, xây dựng hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, ký kết 02 văn kiện quan trọng Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu vào ngày 16/3/2016.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó tập trung chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chế độ dân chủ nhân dân ở Lào, phá hoại mối quan hệ đặc biệt và sự hợp toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bác bỏ luận điệu xuyên tạc quan hệ Việt Nam – Lào, bảo vệ sự trong sáng của mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào hiện nay.

  1. Các hoạt động trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017” bao gồm:

– Những hoạt động kỷ niệm trang trọng và phong phú ở cả hai nước nhằm tuyên truyền và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

– Chú trọng tuyên truyền các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao; trao đổi điện mừng; trao đổi đoàn, giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước. Đặc biệt là các hoạt động tại các bộ, ban, ngành có quan hệ hợp tác với Lào, các địa phương có chung đường biên giới.

– Đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động mít tinh kỷ niệm, hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao, triển lãm, hội thảo của các doanh nghiệp… các sự kiện, ấn phẩm góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa của hai nước./.