Sáng 31/7/2017, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo. Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian qua đã thành phong trào, thành một xu thế của cả xã hội. Khi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư đã nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Theo Tổng Bí thư, chống tham nhũng rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng việc, hết việc này dẫn sang việc khác, làm việc trước tạo tiền đề cho việc sau, làm theo chương trình, kế hoạch, có bài bản, có phân công, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, có gì vướng mắc thì kịp thời họp tháo gỡ. Và một điều quan trọng nữa là huy động sức mạnh toàn dân của cả hệ thống chính trị, nhân dân đồng tình, báo chí vào cuộc, công khai như vừa qua là rất có tác dụng, trở thành phong trào, thành xu thế của xã hội.
Tổng Bí thư dẫn câu nói của Lênin: “Tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương”. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo, báo chí cần thông tin đúng, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, không xây dựng. Tổng Bí thư chỉ rõ, sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào.
Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả như hiện nay. Có được điều này chính là bởi sự chuẩn bị kỹ càng, có bài bản, có chiến lược, chiến thuật rất cụ thể. Những thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta vừa qua rõ rãng là những tín hiệu vui, nó cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang thật sự được thực hiện một cách quyết tâm và quyết liệt. Vì thế mà niềm tin của nhân dân, của cả xã hội về một tương lai đất nước trong sạch, vững mạnh đang trở nên mạnh mẽ hơn.
ĐẢnG KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH
CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ
Hơn 70 năm lãnh đạo xây dựng nhà nước mới, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước cách mạng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đảng, đấu tranh quyết liệt chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, quyết tâm xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, khắc phục nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là “xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã về hưu”. Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã quyết liệt chỉ đạo, điều tra hàng loạt vụ án lớn. Hơn mười dự án thất thoát “nghìn tỷ” từng bước bị điều tra và đưa ra pháp luật, nhiều cán bộ cấp cao bị cách chức. Cuộc chiến chống tham nhũng đã có những bước tiến mới, như “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
Cùng với tham nhũng, lãng phí hiện nay đã trở thành quốc nạn. Báo cáo của Quốc hội tại hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng, lãng phí cho biết, tiền quà biếu của 663 đơn vị lên tới 4.000 nghìn tỷ đồng; xe công thừa hàng trăm chiếc, chưa kể nhiều cán bộ sử dụng xe vượt tiêu chuẩn… Nghiêm trọng hơn cả là lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, có tới hàng nghìn dự án huy động hàng chục nghìn hecta đất nhưng chỉ có khoảng 1/3 số đất đó được sử dụng. Đất đai thu hồi không sử dụng, lãng phí tài nguyên, tốn kém công của gây ra tác động tiêu cực xã hội rất lớn. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến nêu rõ, đầu tư dàn trải gây ra lãng phí lớn. Hàng nghìn tỷ đồng quà biếu, hàng chục ngàn hecta đất, hàng trăm triệu USD từ các dự án treo, chậm tiến độ tuy chưa phản ánh đầy đủ thực trạng lãng phí hiện nay ở nước ta, nhưng đã cho thấy tính chất cực kỳ nghiêm trọng về sự lợi dụng chức vụ của một số cán bộ, công chức gây ra những thất thoát lớn về của cải Nhà nước và Nhân dân.
Những lãng phí ấy không có cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào chịu trách nhiệm. Người ta đổ lỗi cho cơ chế, biện bạch về sự bất cập, không đồng bộ hoặc yếu kém của bộ máy hay do mặt trái của kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy lãng phí chủ yếu xảy ra ở các các quan, đơn vị của hệ thống chính trị và thành phần kinh tế nhà nước, nguyên nhân là một số cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền, lạm quyền và lộng quyền gây ra. Mặc dù Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, nhà nước có luật pháp về tiết kiệm, chống lãng phí nhưng việc thực thi không thu được kết quả bao nhiêu, tệ lãng phí với tham nhũng ngày càng phát triển, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân và là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, chống tham nhũng, lãng phí, thiết nghĩ phải làm từ cán bộ, công chức, đảng viên, những người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Các giải pháp về cơ chế, chính sách phải đồng bộ, khả thi gắn liền với việc tuyên truyền, giáo dục và thực thi pháp luật nghiêm minh.
Vấn đề có ý nghĩa đối với chống tham nhũng, lãng phí hiện nay là thực hiện ráo riết Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, nhất là những công việc dễ nảy sinh tiêu cực, lãng phí. Nêu cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong việc phát huy vai trò tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị mình, góp phần hạn chế, giảm sự lộng quyền ở một số người lợi dụng quyền hành để lãng phí, tiêu cực. Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra sinh hoạt Đảng của cấp trên đối với tổ chức cơ sở Đảng. Nêu gương tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên dũng cảm và đấu tranh chống lãng phí. Trong xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức cần chú ý nội dung về quyền và nghĩa vụ đối với từng loại chức danh để phòng chống lợi dụng chức vụ, quyền lực dẫn đến lạm quyền, lộng quyền. Việc lợi dụng quyền lực dẫn đến lãng phí cần được xác định đúng tội danh; người, tổ chức gây ra lãng phí phải bị xử lý nghiêm minh đồng thời công khai việc xử lý để mọi tầng lớp Nhân dân biết, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước…
Trích đăng từ bài viết “Đấu tranh chống tham nhũng – vấn đề sống còn của Đảng” trong Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, số 9/2017.