Phòng chống bệnh ho gà

1127

Từ đầu năm 2017, đến nay cả nước ghi nhận 55 trẻ mắc bệnh ho gà, tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An…, trong đó 5 bé tử vong. Số ca bệnh ho gà tăng do điều kiện thời tiết mùa đông – xuân ở các tỉnh phía Bắc thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Hầu hết trường hợp mắc ho gà là trẻ dưới 3 tháng tuổi (khoảng 80%). Các bé đều chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ.

Trước tình hình bệnh ho gà đang gia tăng có thể lây lan thành dịch, Trung tâm Y tế Dự phòng quận Tân Bình phổ biến “những điều cần biết về bệnh ho gà” như sau:

  1. Bệnh ho gà:

Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng gây dịch do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) lây lan qua đường hô hấp, hay gặp trong mùa đông và mùa xuân. Bệnh có thể diễn biến nặng gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi dẫn đến tử vong nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ

Hình ảnh trẻ mắc bệnh ho gà.

  1. Các biểu hiện, triệu chứng của bệnh ho gà:

– Viêm long đường hô hấp trên. Mệt mỏi, chán ăn, chảy nước mắt, hắt hơi, có thể kèm sốt và ho.

– Bệnh lây lan mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long đường hô hấp sau đó giảm dần và mất đi sau 3 tuần mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho khan, xuất hiện về đêm sau đó ho cả ban ngày, kèm nôn ói nhiều đàm nhớt. Cơn ho không giảm với thuốc giảm ho thông thường, cơn ho xuất hiện bất chợt kéo dài 15 – 20 tiếng ho, ho không kìm hãm được, sau đó tiếng thở rít nghe tiếng “ót” như gà gáy. Cuối cơn ho khạc ra một chất nhớt màu trắng như long trắng trứng, lúc này cơn ho mới ngưng hẳn. Trong cơn ho trẻ có thể chảy nước mắt, nước mũi, tím tái, mặt đỏ sau đó hồi phục dần, đôi khi trẻ có thể ngưng thở. Ho gà ở người lớn hoặc trẻ đã có miễn dịch 1 phần biểu hiện thường nhẹ, ho dai dẳng, ít nôn, ít nghe tiếng thở rít.

 

  1. Biến chứng của bệnh ho gà:

Biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Viêm phế quản, viêm phế quản-phổi do bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở là biến chứng hay gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não (0,1%) là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ di chứng và tử vong cao.

  1. Để phòng bệnh ho gà trong cộng đồng:

Cần phải cách ly những trẻ bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang; Sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng, tăng cường vệ sinh cá nhân,  vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu nhất

để phòng ngừa bệnh ho gà.