Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân

3095

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm… Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Vì vậy, “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chăm lo đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu then chốt của cách mạng. Đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước Việt Nam ngay từ ngày thành lập nước đến nay và tiếp tục sau này.
Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách. Trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Người được cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm, trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội.
Trong những năm qua, đặc biệt là trong hơn 30 năm đổi mới, các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới đem lại hạnh phúc cho con người, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Điển hình là công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 59% năm 1993 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 3,0% năm 2016 (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 – 2015). GDP trên đầu người đã vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (2.215 USD/người/năm) vào năm 2016.
​Hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện cả kinh tế, xã hội và môi trường đang từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Những thành quả phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc đã góp phần xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc, tươi đẹp.
​Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.
Mục tiêu cốt lõi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là làm sao để nhân dân không còn phải lo cái ăn, cái mặc hàng ngày và phải đảm bảo cho người dân về y tế, giáo dục và nhà ở.
Nơi nào người dân còn đói nghèo, cuộc sống chưa được no ấm, nơi nào dân còn chưa được hạnh phúc, nơi nào còn để nhân dân phải lo cái ăn, cái mặc và nơi nào chưa đảm bảo được y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở thì nơi đó tổ chức Đảng và chính quyền chưa hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình trước nhân dân. Cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát và có hình thức kỷ luật nghiêm những nơi, những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ đó. Chỉ có như vậy, đất nước Việt Nam mới trở nên giàu mạnh và phồn vinh, nhân dân thực sự được ấm no, hạnh phúc.

Trích đăng từ cuốn “Tạp chí Lý luận chính trị” số 8-2017.

Ban biên tập