Luật pháp, chính sách của nhà nước về Người cao tuổi

9484
  1. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CHỦ TRƯƠNG CỦA HỘI VỀ CHĂM SÓC NGƯỜI CAOTUỔI

Ngay sau Cách Mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã rất quan tâm đến sức khỏe nhân dân. Trong “Thư gửi các vị phụ lão” ngày 21/9/1945, Bác đã chống quan niệm cổ xưa “lão lai tài tận, lão giả an chi” và trong bài “Sức khỏe và thể dục” ngày 27/3/1946, Bác viết: “…Việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công…Vì vậy nên tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mọi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng được làm…Dân cường thì nước thịnh…”.

– Sau khi Hội người cao tuổi Việt Nam được thành lập (10/5/1995), Ban bí thư TW đã ban hành Chỉ thị 59/CT-TW “Về chăm sóc người cao tuổi”, quy định: “Việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, nhà nước và toàn xã hội.

– Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng đã nêu: “Đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, các cán bộ nghỉ hưu, những người cao tuổi thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất trong điều kiện mới; đáp ứng nhu cầu thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội; nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thanhniên, thiếu niên…”.

– Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng ghi rõ: “Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội. Chăm sóc đời sống vật chất và tih thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa…”.

– Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để NCT hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, lao động học tập của NCT trong xã hội và gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau”; giúp đỡ NCT cô đơn không nơi nương tựa.

– Nghị quyết Đại hội IV Hội NCT Việt Nam (2011) nêu: “Nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, giảm bớt khó khăn cho người cao tuổi nghèo, già yếu cô đơn, không để người cao tuổi phải sống lang thang cơ nhỡ’.

– Nghị quyết Đại hội V Hội NCT Việt Nam (2016) chỉ rõ: “Tăng cường xã hộ hóa các hoạt động của Hội, xây dựng nguồn lực cả cơ sở vật chất và tài chính để chăm sóc phát huy vai trò NCT”.

  1. LUẬT PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CAO TUỔI:

– Hiến pháp năm 1946, Điều 14 quy định: “Những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ’.

–  Hiến pháp 1959, Điều 32 quy định: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để đảm bảo chongười lao động được hưởng quyền đó’.

– Hiến pháp 1992, Điều 64 quy định: “…Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Con cái có trách nhiệm kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ…”.

– Điều 87 Hiến pháp 1992 ghi: “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được nhà nước và xã hội giúp đỡ”.

– Hiến pháp 2013, khoản 3 Điều 37 quy định: “Người cao tuổi được nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

– Hiến pháp 2013 tại khoản 2, Điều 59, ghi: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

– Luật người cao tuổi 2009: Đã dành toàn bộ chương II quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi.

– Luật hôn nhân và gia đình 2014, khoản 2 Điều 71 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.

– Luật bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân 1089, tại khoản 1 Điều 41 quy định” “Người cao tuổi…được ưu tiên khám, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khỏe của mình”.

– Bộ Luật hình sự 2015, Điều 40, khoản 2 quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người tử tù đủ 75 tuỏi trở lên khi phậm tội hoặc khi xét xử.

III. CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ NGƯỜI CAO TUỔI

  1. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 117/CP “Về chăm sóc ngyười cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội người Cao tuổi Việt Nam”. Chỉ thị khẳng định: “Kính lão đắc thọ” là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, Đảng và nhà nước ta coi việc quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là đao lý của dân tộc, là tình cảo và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.

Tiếp đó, Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp Luật về cơ chế chính sách liên quan đến NCT.

  1. Về công tác và bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe đối với NCT:

– Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

– Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

– Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19/5/2011 của Bộ lao động Thương binh và xã hội quy định hồ sơ, tủ tục trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng và tiếp nhận NCT vào cơ sở bảo trợ xã hội.

– Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2012 của Bộ lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết va hướng dẫn thi hành một số điều Luật người khuyết tật.

– Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/2/2011 của Bộ tài chính quy định quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT.

– Thông tư 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

– Nghị định 13/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

– Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

  1. Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch:

– Thông tư số 127/2011/TT-BTC ngày 9/9/2011 của Bộ tài chính quy định mức thu phí thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi.

– Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL ngày 14/5/2012 của Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về hỗ trợ NCT tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và tổ chức mừng thọ NCT.

  1. Về lĩnh giao thông:

– Thông tư số 71/2011/TT-BCTVT ngày 30/12/2011 của Bộ giao thông vận tải quy định về hỗ trợ NCT khi tham gia giao thông công cộng.

– Công văn 3873/BGTVT-CP ngày 1/7/2011 của Bộ giao thông vận tải về việc triển khai thực hiện quy định giảm giá vé, giá dịch vụ cho NCT khi tham gia giao thông bằng tàu thủy chở khách, tàu hỏa chở khách, máy bay chở khách.

  1. Về quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT:

– Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

– Thông tư 02/2013/TT-BNV ngày 10/4/2013 của Bộ nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt độn quỹ xã hội từ thiện.

  1. Chương trình hành động: Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam gia đoạn 2012 – 2020.
  2. Tháng hành động vì NCT: Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 của Thủ tướng CP quy định hàng năm lấy tháng 10 là tháng hành động vì NCT.

Như vậy, từ Chỉ thị 59, các văn kiện Đại hội Đảng, các văn kiện Đại hội Hội NCT Việt Nam đều khẳng định người cao tuổi là nền tảng của gia đình, là tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển xã hội, chăm sóc và phát huy tốt vai trò người cao tuổi là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đạo đức người Việt Nam, góp phần vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiến pháp, Luật NCT và các văn bản pháp luật liên quan đến NCT là cơ sở pháp lý quan trọng, cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước về chăm sóc, phát huy vai trò NCT; là căn cứ để các cấp chính quyền, các ngành, các cấp Hội NCT đẩy mạnh công tác chăm sóc NCT trong giai đoạn hiện nay.

Hội Người cao tuổi phường 6.