Quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính trong thời đại mới

1053

“Liêm” tức là trong sạch, “chính” nghĩa là thẳng thắn. Việc xây dựng một chính phủ liêm chính chính là xây dựng một bộ máy hành pháp trong sạch, minh bạch, công khai. Biểu hiện của nó là không tham nhũng, không quan liêu, tham quyền, cố vị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng chính quyền gần dân trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính công và thái độ phục vụ Nhân dân của bộ máy công bộc…

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu và trở thành những rào cản ngáng trở sự phát triển. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự chậm chạp trong quá trình hoàn thiện thể chế hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư của mọi thành phần trong xã hội. Sự chậm trễ đó cơ bản là do hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh, bộ máy tổ chức hành chính còn chưa thoát ra khỏi tư duy “quản lý, kiểm soát” thay vì phải là tư duy “quản trị, kiến tạo” sự phát triển. Với một bộ máy quản lý chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, không minh bạch về giới hạn và một thể chế hành chính cồng kềnh, quan liêu tạo tiền đề cho nhiều người lợi dụng chức quyền và trốn tránh trách nhiệm dễ dàng trong công vụ là sức cản rất lớn ảnh hưởng không tốt đến tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức suy thoái, biến chất về đạo đức. Những vụ án tham nhũng, vụ sau lớn hơn vụ trước, báo chí phanh phui trong thời gian gần đây là thách thức to lớn đối với quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính. Trong khi đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận lớn cán bộ, công chức không xứng tầm nhiệm vụ. Nhiều việc, nhất là những việc liên quan đến thủ tục hành chính và quyền lợi của người dân giải quyết chậm; khả năng xử lý xung đột, trình độ giao tiếp, nhất là giao tiếp quốc tế kém; trình độ tiếp thu công nghệ mới và vận dụng vào thực tế rất yếu, bằng cấp nhiều mà ít sáng tạo, ít phát minh…

Bản chất của Nhà nước ta, ngay từ những ngày đầu tiên đã được khẳng định là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, kiên quyết chống tham nhũng, hướng về Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân làm giàu và mưu cầu hạnh phúc, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Muốn đạt được mục tiêu này, trước hết Chính phủ cần cải cách chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công chức. Cần thay đổi tận gốc cơ chế tuyển chọn cán bộ để có một đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự, đề cao vai trò giám sát của xã hội để làm tốt công tác này. Những chuyện xảy ra vừa qua như ô nhiễm môi trường biển, hiệu quả đầu tư kém… có nguyên nhân rất lớn từ năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện việc đánh giá cán bộ nghiêm túc, công bằng để loại những ai không liêm chính ra khỏi bộ máy, để cán bộ có năng lực yên tâm làm việc, không bị trù dập.

Yêu cầu đặt ra trong thời gian này là quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách xuất phát từ dân và vì dân. Từ thực tiễn đó xây dựng các chương trình hoạt động công vụ gắn với mục tiêu bảo đảm tinh thần làm việc văn minh, dân chủ và cởi mở, thượng tôn pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chuyển dần từ nền hành chính cai trị sang quản trị, kiến tạo. Rà soát, sắp xếp lại quy trình, thủ tục hành chính giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành mang tính đồng bộ, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng môi trường dịch vụ hành chính công mang tính phục vụ thông qua đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất, gây sách nhiễu cho người dân. Chính phủ điều phối hoạt động công vụ thông qua công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển, tạo công ăn việc làm, phát huy sức sáng tạo, tăng thu nhập cho người dân, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường, tạo công bằng xã hội. Cùng với việc thiết kế thể chế, chính sách, Chính phủ hành động nhanh, chính xác, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Việc bảo đảm và tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý hành chính hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phòng, ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí. Chính phủ điện tử đã công khai và minh bạch toàn diện hoạt động công vụ của mình song người dân chưa có đủ điều kiện tiếp cận do khó truy cập, thông tin chưa bắt kịp tính thời sự của đời sống. Vấn đề cấp thiết hiện nay là xác định rõ danh mục bí mật của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó hạn chế tình trạng phổ biến hiện nay là cán bộ, ngành, địa phương thường lấy lý do thuộc danh mục bí mật Nhà nước để từ chối cung cấp thông tin cho người dân…

Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới. Việc quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, nói không với tham nhũng là một quan điểm hết sức đúng đắn để củng cố niềm tin của Nhân dân. Tăng trưởng kinh tế đã khó nhưng tăng trưởng niềm tin của Nhân dân còn khó hơn. Thước đo sự liêm chính của Chính phủ chính là hiệu quả phục vụ Nhân dân, là lòng tin của Nhân dân! Nếu đội ngũ công chức hiện nay thực hiện đúng như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ xây dựng được Chính phủ liêm chính, vì thế sẽ có được lòng dân, đem được lợi ích thiết thực cho Nhân dân.

Trích đăng từ bài viết “Kế thừa tư tưởng Chính phủ liêm chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Liêm chính để được lòng dân” trong Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, số 9/2017.